LỄ KỶ NIỆM 10 NĂM CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU HỌC GIẢ QUỐC TẾ

Tháng Mười 08 2020

Sáng ngày 12/12/2010, Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Chương trình Giao lưu Học giả Quốc tế (ISEF).

 

Tham dự buổi lễ có GS. Mai Trọng Nhuận – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN); TS. Kim Jae-Youl – Chủ tịch Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS); Trưởng các ban chức năng, lãnh đạo các trường/viện trực thuộc ĐHQGHN;  đại diện Quỹ KFAS; và gần 40 học giả Việt Nam đã tham gia Chương trình ISEF.

 

“Lý tưởng về Chương trình Giao lưu Học giả Quốc tế trong mười năm qua vẫn không thay đổi. Tôi mong muốn các học giả sẽ trở thành những nhà lãnh đạo trong truyền bá văn hóa, tư tưởng phương Đông. Trong mười năm, ở Việt Nam có 40 học giả và tính toàn châu Á là hơn 500 học giả đã tham gia chương trình. Hơn 500 học giả như người trong cùng một gia đình, cùng hợp tác nghiên cứu học thuật", TS. Kim Jae-Youl, Chủ tịch Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc phát biểu chào mừng tại buổi lễ.

 

GS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN trong buổi lễ đã khẳng định những thành công của Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á, cũng như những đóng góp tích cực của Chương trình ISEF đối với phát triển học thuật ở châu Á trong 10 năm qua.

Chương trình Giao lưu Học giả Quốc tế là chương trình học bổng dành cho các học giả trẻ và xuất sắc của Châu Á tiến hành nghiên cứu sau tiến sỹ tại các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu ở Hàn Quốc. Chương trình hướng tới mục đích là tăng cường trao đổi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học thuật để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và sự phát triển khoa học giữa các học giả đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Chương trình do Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc thực hiện từ năm 2000. Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội đã vinh dự được chọn là đơn vị đầu tiên trong mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á thực hiện chương trình này.

 

Sau 10 năm, Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề cử 40 học giả xuất sắc trong và ngoài ĐHQGHN tham dự chương trình. Sau một năm nghiên cứu miệt mài ở Hàn Quốc, các học giả Việt Nam đã về nước và cống hiến cho nền giáo dục và khoa học ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của họ đã được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên khắp thế giới và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần phát triển công tác nghiên cứu khoa học chất lượng cao ở Việt Nam. Qua 10 năm triển khai, chương trình đã thực sự khẳng định được uy tín của mình và ARC đã luôn đồng hành cùng các học giả trong quá trình phát triển sự nghiệp khoa học, công nghệ.

Lễ kỷ niệm đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các học giả và giúp thắt chặt thêm sợi dây liên hệ giữa các học giả, giúp cho hiệp hội học giả ISEF ngày càng bền vững.

“Có thể nói, hạt mầm của Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc gieo từ 10 năm trước cho những quan hệ hợp tác trong nghiên cứu, giảng dạy đã nảy nở và đã đơm hoa kết quả ở Việt Nam…. Rất nhiều người chúng tôi đã thăng tiến và thành đạt sau thời gian làm nghiên cứu theo Chương trình học giả Quốc tế của Quỹ. Điều đó tất nhiên, trước hết, là do sự cố gắng của từng người, nhưng không thể không nhắc đến vai trò của quãng thời gian chúng tôi được mời sang Hàn Quốc để nghiên cứu. Chúng tôi đã được tiếp cận với những tài liệu chuyên môn mới nhất, chúng tôi đã được làm việc với những giáo sư, những chuyên gia giỏi nhất của Hàn Quốc, chúng tôi đã có dịp làm quen với các học giả đến từ nhiều nước khác nhau, đã thiết lập được network để làm việc cùng nhau. Thật sự là Chương trình học giả Quốc tế đã mở cửa cho chúng tôi đến với cộng đồng khoa học Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng khoa học quốc tế nói chung”.


Trích bài phát biểu của GS. Nguyễn Văn Hiệp, Khoa Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQGHN (Đại diện học giả ISEF 2003-2004)

“Chương trình Giao lưu Học giả Quốc tế là một chương trình đem lại hiệu quả cao và rất bổ ích cho các học giả như chúng tôi trên con đường nghiên cứu khoa học, ứng dụng và giảng dạy tại các Trường đại học và Viện nghiên cứu. Sau một năm miệt mài nghiên cứu cùng với các giáo sư Hàn Quốc, được sự hỗ trợ quý báu của trung tâm, sự giúp đỡ tận tình của các giáo sư chúng tôi đã học hỏi, tiếp thu và tích lũy những kiến thức chuyên ngành, đã được sống tại một đất nước tiên tiến, được làm việc ở môi trường khoa học, được tiếp xúc với nhiều giáo sư đầu ngành ở Hàn Quốc, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành tốt những dự án nghiên cứu của mình. Tất cả nhũng thuận lợi đó đã giúp chúng tôi gặt hái được nhiều thành công, thể hiện ở các bài báo khoa học có giá trị được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới và đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần phát triển công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao tại Việt Nam".


Trích bài phát biểu của TS. Nguyễn Văn Tuấn, Khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng (Đại diện học giả ISEF 2005-2006).

Thành công

Thất bại