Theo quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài số 02/QĐ-NCCA ngày 05/01/2015 của Đại học Quốc gia Hà Nội, chiều ngày 13/01/2015, Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á đã tổ chức họp nghiemj thu đề tài "Điều tra đa dạng sinh học hệ Tảo và vi khuẩn lam tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa" do TS. Nguyễn Thùy Liên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN làm chủ nhiệm.
Dưới sự chủ trì của chủ tịch Hội đồng nghiệm thu PGS. TS. Dương Văn Hợp, Hội đồng đã nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu nhận tài trợ kinh phí của Trung tâm thực hiện trong thời gian 24 tháng (từ 10/2012 ~ 10/2014).
- Kết quả nghiên cứu nổi bật:
- Định loại được 113 loài và dưới loài tảo và Vi khuẩn lam thuộc 37 chi, 18 họ, 14 bộ, 8 lớp của 4 ngành tảo và ngành Vi khuẩn lam tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa, trong đó Tảo mắt (Euglenophyta) có 6 loài và dưới loài, Tảo lục (Chlorophyta) có 46 loài và dưới loài, Tảo silic (Bacillariophyta) có 44 loài và dưới loài, tảo hai rãnh (Dinophyta) có 1 loài dưới và dưới loài và ngành Vi khuẩn lam (Cyanobacteriophyta) có 16 loài và dưới loài. Cấu trúc thành phần loài cho thấy thành phần loài tảo và Vi khuẩn lam Pù Luông có tỷ lệ Tảo silic cao so với cấu trúc thành phần loài tảo và Vi khuẩn lam ở Việt Nam.
- Các loài tảo và vi khuẩn lam phân bố khác nhau theo loại hình thủy vực và mùa. Các thủy vực nước chảy có thành phần loài phong phú hơn, đặc biệt số lượng loài tại các suối phụ thuộc chặt chẽ và tính chất nền đáy và tốc độ dòng chảy. Mùa mưa có sự phong phú hơn về thành phần loại đặc biệt là nhóm ngành Tảo lục và Tảo mắt.
- Do đặc tính thuy vực, các chỉ số đánh giá chất lượng có thể sử dụng tốt tại Pù Luông là chỉ số Diatomae và Nygaard, kết hợp với đánh giá mức độ ô nhiễm thủy vực theo các chỉ tảo của Palmer (1969). Các đánh giá này đều cho thấy chát lượng nước trong các thủy vực ở Pù Luông khá tốt, không có hiện tượng phú dưỡng và chưa bị ô nhiễm.
- Những giá trị thực tiễn và khả năng ứng dụng:
Đóng góp số liệu cơ bản về Tảo và Vi khuẩn lam tại các thủy vực của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa và phân bố của chúng, bổ sung cho hệ tảo của Việt Nam.
Bổ sung bộ mẫu phục vụ đào tạo và nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.
Phục vụ công tác quy hoạch và bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa.
- Kết quả đạt được:
Kết quả công bố: 02 bài báo khoa học trên Tạp chí khoa học ĐHQGHN.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá các kết quả nghiên cứu đã đạt được phù hợp với mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, tác giả cần bổ sung biện luận cho các kết quả để nêu lên được tính mới của đề tài đồng thời làm rõ sự khác biệt của các mùa. Hội đồng nhất trí xếp loại: Tốt.