Từ lần đến thăm tình cờ từ hơn 10 năm trước, bị ‘quyến rũ’ bởi đất nước với nền văn hóa đa dạng, truyền thống phong phú, nhà nhân học Michael Di Giovince, giảng viên ĐH Chicago, chuyên gia hàng đầu thế giới về di sản đã chọn Việt Nam làm chủ thể trong nhiều nghiên cứu của ông. Trong chuyến trở lại lần này, ông đã có dịp làm việc với lãnh đạo, các nhà khoa học ở ĐHQGHN, nói chuyện với sinh viên về di sản thế giới, đồng thời tiến hành khảo sát một số địa điểm di sản, văn hóa tại Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng cho các nghiên cứu sắp tới.
Sinh viên cần được trao cơ hội tiếp cận với cách suy nghĩ khác, quan điểm khác
Tôi đến Việt Nam nhiều lần, cả với tư cách nhà khoa học lẫn với tư cách người đi du lịch. Lần này thật đặc biệt vì tôi được đến thăm và làm việc ĐHQGHN. Đây là một phần của chương trình hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH Chicago, kể từ sau khi cả 2 ĐH đã ký biên bản ghi nhớ hồi đầu năm. Ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên, tôi đã đánh giá rất cao các lãnh đạo cũng như cán bộ của ĐHQGHN, đặc biệt với khẩu hiệu hành động 'xuất sắc dựa vào tri thức', tôi tin chắc các bạn sẽ thành công trong sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Còn với buổi nói chuyện với sinh viên thì thật tuyệt vời, tôi thấy các bạn trẻ rất hào hứng với việc được nói chuyện với các nhà khoa học quốc tế. Tiếng Anh của các em sinh viên cũng rất tốt, đây là điều kiện tiên quyết để các bạn sẵn sàng bước vào sự nghiệp trong tương lai; và hẳn nhiên là tiếng Anh của các bạn sinh viên thì tốt hơn hẳn tiếng Việt của tôi.
Ông là chuyên gia đầu tiên đến ĐHQGHN theo chương trình học giả quốc tế nói chuyện với sinh viên ĐHQGHN. Ông nghĩ như thế nào về các hoạt động như thế này, nó có ý nghĩa như thế nào với việc phát triển chuyên môn, nghề nghiệp của các em về sau?
Tôi rất vinh dự được là người khai mạc cho chương trình này. Và nó cũng hoàn toàn phù hợp với 6 giá trị cốt lõi của ĐHQGHN là chất lượng cao, sang tạo, tiên phong, tích hợp, trách nhiệm và phát triển bền vững bởi vì thông qua những hoạt động như thế này, các em sinh viên sẽ có điều kiện tiếp xúc với các chuyên gia quốc tế, về các lĩnh vực ngoài chuyên môn của các em. Các trường đại học dù ở nước phát triển hay đang phát triển đều cần có những hoạt động như thế này cho sinh viên, bởi vì nhiệm vụ của trường đại học là không chỉ cung cấp cho sinh viên kiến thức mà còn phải giúp các em mở rộng các kỹ năng, hiểu biết xã hội cần thiết trong tương lai. Các em cần được trao cơ hội được tiếp cận với các cách suy nghĩ khác, quan điểm khác.
Không thể bảo vệ di sản chỉ bằng ý chí của người quản lý
Quay trở lại với việc nghiên cứu của ông, cũng chính là một phần mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này. Một cách ngắn gọn, ông có thể cho biết ý tưởng của UNESCO trong việc việc công nhận các di sản thế giới và UNESCO đã làm gì để xây dựng 'ý thức về hòa bình trong mỗi con người' trên toàn thế giới.
UNESCO được thành lập sau Thế chiến thứ 2 (1945), là một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc với phạm vi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục khoa học và văn hóa. Tại thời điểm đó, cộng đồng thế giới đang rất quan tâm đến giải pháp để duy trì hòa bình trên phạm vi toàn cầu thông qua phát triển. Một số tổ chức hay quốc gia khác thì hỗ trợ khắc phục hậu chiến bằng cách hỗ trợ tài chính, thì UNESCO lại tìm cách khác, đó là thông qua việc tương tác giữa các cá nhân với nhau, qua đó làm giảm thiểu những định kiến, những hàng rào ngăn cách đối với những nhóm người đã có quá khứ đối đầu với nhau, gây tổn thương cho nhau; mà qua đó, đóng góp cho sự phát triển chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới. Cho đến trước khi Công ước về Di sản thế giới được ký năm 1972, thì một số sự kiện tại Ai Cập hay Venice (Ý) đã làm cho người dân từ nhiều nước khác nhau tìm cách cùng nhau bảo vệ những giá trị văn hóa và thiên nhiên; điều này đã cho thấy khả quan về khả năng những người từ các nguồn gốc khác nhau có thể chia sẻ quan điểm về việc bảo tồn văn hóa và di tích, ngay cả khi nền văn hóa hay di tích đó không phải ở nơi họ sinh sống. Công ước về Di sản thế giới đã thể chế hóa, toàn cầu hóa và phát triển những ý tưởng nói trên. Đó cũng là lý do tại sao tôi lại nhắc lại tuyên bố của UNESCO về sứ mệnh tạo dựng 'ý thức về hòa bình trong mỗi con người' trong nhiều nghiên cứu của tôi.
Theo ông, cách thức nào là bền vững nhất để vừa bảo tồn được di sản, lại cùng lúc vừa phát triển được chất lượng cuộc sống của người dân?
Tôi tin tưởng rằng việc bảo vệ các giá trị văn hóa (cả vô hình lẫn hữu hình) vẫn có thể tồn tại song song với việc phát triển cuộc sống của người dân địa phương. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy 2 mục tiêu này đôi khi lại dẫn đến mâu thuẫn với nhau. Bảo tồn di sản thường dẫn đến việc là người ta cố gắng 'đóng băng' truyền thống và 'bắt thời gian dừng trôi'. Nhưng văn hóa thì không bao giờ đứng yên, nó luôn vận động – đó là nguyên lý cơ bản của bộ môn nhân học. Nhiều mâu thuẫn có thể phát sinh, có thể thấy trong nhiều ví dụ, như trong du lịch chẳng hạn. Trong bài phát biểu của tôi tại Quảng Ninh, tôi cũng đã nói, trong nền công nghiệp du lịch, người dân thường cố thể hiện truyền thống cho khách du lịch, tức là họ đang cố gắng kiếm lợi bằng cách 'bảo vệ' truyền thống – và như vậy vô hình chung, họ đã tự thay đổi truyền thống.
Nghiên cứu của tôi về du lịch di sản và phát triển đã cho thấy các kế hoạch phát triển thường khó đạt được thành công toàn diện nếu chỉ thông qua các ý chí của các nhà quản lý mà thiếu đi sự tham gia của người dân địa phương và những người liên quan trực tiếp đến di sản. Nếu người dân địa phương không hiểu hoặc không đồng tình với các kế hoạch của giới chức trách, họ sẽ không có ý thức là mình cũng đang đóng góp cho công cuộc bảo vệ di sản. Ngược lại, nếu người dân cảm thấy vừa có thể có lợi ích kinh tế dựa trên các kế hoạch phát triển của địa phương, vừa có lợi ích cho việc bảo tồn văn hóa mà vẫn phát triển được chất lượng cuộc sống, họ sẽ thấy họ đang là 'nhân vật chính' của các kế hoạch. Như vậy, điều đầu tiên là phải làm cho người dân hiểu và đánh giá đúng giá trị của di sản, sau đó rồi mới đến việc khuyến khích họ tham gia vào các kế hoạch phát triển.
Việt Nam đã có rất nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Và Chúng tôi đang có kế hoạch đệ trình xin chứng nhận cho một số địa chỉ mới, như Yên Tử chẳng hạn. Ông có gợi ý gì cho Việt Nam trong việc thực hiện những điều này?
Tôi cũng vừa đi Yên Tử về. Đúng là một địa danh rất đặc biệt và nếu được chuẩn bị kỹ, sẽ có thể đạt được chứng nhận di sản thế giới. Nhưng tôi cũng lưu ý rằng UNESCO không công nhận những nơi chỉ có đặc biệt không thôi, mà nó còn phải minh chứng cho khả năng đóng góp cho các giá trị chung về di sản của loài người. Không khó để giải thích Yên Tử có vai trò như thế nào với người Việt, nhưng cần phải xem xét kỹ hơn để có thể chứng minh Yên Tử cũng có những giá trị phổ quát. Cũng như nhiều địa danh tín ngưỡng khác, Yên Tử là nơi mà người ta đến để cầu nguyện; vì vậy, kế hoạch phát triển du lịch cần phải tính toán đến các yếu tố này. Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải có những nghiên cứu nghiêm túc nhằm xác định những người liên quan đến địa điểm di sản; họ cần gì ở đó, họ nghĩ thế nào nếu địa điểm đó được công nhận di sản thế giới. Chúng ta nên nhớ rằng khi một địa điểm được công nhận di sản thế giới, tức là nó đã mang trong mình những giá trị phổ quát. Yên Tử rất quan trọng với các bạn ở tầm quốc gia và ở khía cạnh tín ngưỡng, nhưng một khi muốn công nhận là di sản thế giới, giá trị của Yên Tử sẽ phải vượt quá biên giới quốc gia và tín ngưỡng. Vì vậy, các nhà quản lý cần phải chứng minh Yên Tử có những giá trị phổ quát, có tầm ảnh hưởng đến nhiều nhóm người, từ những người hành hương, phật tử, khách du lịch, người dân địa phương, những người bán hàng, và nhiều người khác; làm cho họ cảm thấy không bị gạt ra rìa, hoặc giá trị văn hóa và tinh thần của họ không bị phai nhạt. Như vậy, tôi nghĩ cách duy nhất là phải tiếp xúc với họ đủ lâu để sau đó xây dựng kế hoạch đủ tầm để cho UNESCO có thể thấy được giá trị của 'sự thống nhất trong đa dạng' của địa danh Yên Tử.